Điêu khắc đình làng

10-14-2016

Đình làng, nhất là đình làng ở miền Bắc, là kho tàng hết sức phong phú của điêu khắc Việt Nam trong lịch sử. Điêu khắc cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác, nhưng không ở đâu nó được biểu hiện hết mình như ở Đình. Điêu khắc ở đình làng không những là nguồn tài liệu để nghiên cứu lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tài liệu để nghiên cứu đời sống ngày thường cũng như tâm hồn của người nông dân Việt Nam.

Nói điêu khắc đình làng cũng là nói đến nghệ thuật trang trí đình làng. Điêu khắc ở đây là điêu khắc trang trí. Người thợ làm đình chẳng những thành thạo trong việc dựng đình mà còn biết tô điểm cho ngôi đình thêm đẹp. Điêu khắc ở đây do đó gắn liền với kiến trúc. Hầu như trên các thành phần của kiến trúc đình làng đều được các nghệ nhân xưa dùng bàn tay điêu luyện của mình chạm khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao, thu hút sự chú ý của mọi người lúc ghé thăm đình.

Ngay những ngôi đình từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XVIII, điêu khắc trang trí đình làng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Những nhà điêu khắc vô danh xuất thân từ nông dân đã đưa vào đình làng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thực, hay là cả với giấc mơ của họ, với một phong cách hết sức độc đáo và một tâm hồn hết sức sôi nổi. Khác với những kiến trúc tôn giáo khác, ngay ở những vị trí tôn nghiêm của đình làng, ta cũng có thể gặp hình tượng những đôi trai gái đùa ghẹo nhau hay đang tình tự… Từ thế kỷ XIX, điêu khắc đình làng hầu như không còn những cảnh sinh hoạt dân gian. Từ đây chỉ còn những hình trang trí hoa lá và phổ biến là hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Trong các đình thế kỷ XIX, thường có những bức cửa võng trước điện thờ được chạm trổ khá công phu.

Ở các ngôi đình miền Trung, điêu khắc trang trí không phong phú như các ngôi đình miền Bắc. Có người đã tổng kết về trang trí trên gỗ ở các ngôi đình vùng Thừa Thiên – Huế : “Trong kết cấu gỗ của nội thất tùy quan niệm thẩm mỹ mà dân làng có thể chạm trổ chi tiết đầu rồng, đuôi rồng ở đầu đuôi kèo, chạm hoa và đường chỉ xuyên tâm ở thanh xà và đòn tay. Việc chạm trổ nhiều, thích ứng với các đình có kết cấu vừa phải, thanh tú. Chạm trổ ít, thích ứng với các đình có kết cấu gỗ to lớn, đồ sộ…”. Đây cũng là tính chất trang trí nói chung của ngôi đình miền Trung. Nhưng nếu điêu khắc trang trí tên gỗ có giảm sút thì ngược lại, ở các ngôi đình miền Trung lại phát triển hình thức trang trí bằng cách đắp nổi vôi vữa và gắn các mảnh sành sứ lên phần ngoài của kiến trúc. Thường thì ở nóc mái và các đường gờ mái, người ta trang trí hình tứ linh. Ơở hai đầu hồi thường được trang trí hình dơi xòe cánh bằng sành sứ để cầu phúc. Đây là cách trang trí phổ biến đời Nguyễn.

Đình miền Nam cũng có lối trang trí đắp nổi mặt ngoài gần giống đình miền Trung, nhưng điêu khắc trang trí trên gỗ thì cũng có điểm khác biệt. Phần lớn chạm khắc gỗ này đã có từ giữa thế kỷ XIX. Bốn cột đình thường được trang trí hình rồng, nên gọi là “long trụ”. Nhiều nơi, long trụ chạm rời bên ngoài ốp vào, nhưng cũng có nơi long trụ được trổ một khối nguyên… Ngoài những cột long trụ đình Nam Bộ thường có các bao lam trước điện thờ, như cửa võng trong các đình miền Bắc, được chạm trổ rất tinh vi, đề tài thường là tứ linh, cá hóa long, rồng, hổ…

Như vậy, điêu khắc trang trí, cùng với kiến trúc đã làm cho đình có những nét riêng trên chiều dài của đất nước.

(- Theo Bộ VHTT -)

Bài viết được sưu tầm bới nhóm thiết kế, trung tâm dịch vụ gia phả Việt Nam 

Thong ke