Hướng dẫn lập gia phả dòng họ
Gia phả là gì?
Gia phả ( còn được gọi là gia phổ) là bản ghi chép tên, họ, tuổi tác, ngày giỗ, vai trò và công đức của cha mẹ, ông bà, tiên tổ và mộ phần của một dòng họ. (Theo wikipedia)
Gia phả có thể được coi là cuốn bách khoa toàn thư về lịch sử dòng họ. Gia phả có khi gọi là phổ ký, có khi là phổ truyền. Các dòng dõi vua quan có khi gọi gia phả của vương triều mình là Ngọc phả, Thế phả..
Một gia phả dù đơn sơ hay chi tiết cũng đều trở thành những tài liệu quý báu cho gia đình, xã hội. Và còn có thể hữu dụng cho những nghiên cứu về tâm lý, về di truyền học, huyết học, y học..
Nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng. Phải công phu, nghiêm túc trong việc dựng phả. Gia phả là tư liệu quí giá cho dòng họ, nhà sử học, dân tộc học.
Mẫu sơ đồ gia phả dòng họ
Tầm quan trọng của cuốn gia phả dòng họ
Đa số các quyển gia phả đều có lời tựa mở đầu bằng câu “nước có sử, nhà có phả”. Điều đó chứng minh cho mục đích chính của cuốn gia phả là nơi ghi lại lịch sử của gia tộc. Ghi lại nguồn gốc và công đức của tổ tiên để con cháu nhìn lên và noi theo.
Gia phả giúp các thành viên biết rõ tường tận về gốc gác, cội nguồn của mình. Thông qua nó giúp các thế hệ con cháu biết về thông tin ngày tháng năm sinh, năm mất của các bậc tiên nhân. Các phần mộ và thể hiện hiếu thảo qua việc thờ phụng, hương khói.
Gia phả giúp các thành viên biết vị trí của mình. Giúp cho các thế hệ mai sau không bị mất gốc, không bị khuyết phả. Và dù có đi đâu thì vẫn nhớ về nguồn gốc của mình
Gia phả giúp tra cứu tên tuổi của các bậc tiên nhân để tránh trường hợp phạm húy đặt tên con mình trùng với người xưa. Ngoài ra còn giúp con cháu không có tình trạng kết hôn cùng họ.
Mẫu gia phả dòng họ hoàn chỉnh
Việc biên chép gia phả là việc làm tự phát tự nguyện mà cũng là trách nhiệm của những thành viên có học thức trong họ tộc. Thông qua gia phả, người đời trước gửi gắm tâm nguyện, khích lệ ý chí phấn đấu cho đời sau…
Nếu lịch sử là bất diệt, thì cội nguồn huyết tộc cũng thế.
“Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn.
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”.
Phàm là kẻ hậu tiến phải có chí noi theo bậc tiền nhân. Dù hôm nay dù mai sau, hãy kế thừa chép nối các đời mãi mãi, để nhờ ơn oai linh phù trì của đấng Thượng thần. Thừa hưởng phúc trạch di lại của chư vị tổ tiên mà đời đời khoa giáp, đời đời công hầu, đời đời khanh tướng. Đời đời con cháu trường tồn cùng trời đất”.
Nội dung cuốn gia phả hoàn chỉnh
Một cuốn gia phả hoàn chỉnh thường có những nội dung sau:
Lời nói đầu (hay lời tựa) nêu lên ý nghĩa của gia phả đối với họ tộc. Giới thiệu nguồn gốc và những truyền thống tốt đẹp vốn có của dòng tộc. Về quá trình sưu tầm, biên tập gia phả. Hướng dẫn người đọc để tiếp cận và hiểu một cách dễ dàng.
Chính phả: có phả ký, phả hệ và phả đồ
Đây là phần chủ yếu của một bản phả. Trong đó trình bày rõ thân thế, sự nghiệp, thế thứ của các thành viên trong họ tộc. Có sơ đồ biểu thị để dễ dàng theo dõi.
Ngoại phả: ghi nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, ghi khu mộ. Ghi danh sách học vị các thành viên đỗ đạt. Ghi tiểu sử một số thành viên nổi bật. Ghi quan hệ hôn nhân cưới gả với dòng họ nào….
Mẫu cuốn gia phả dòng họ
Cách viết gia phả dòng họ
Khi viết gia phả chú ý hành văn phải ngắn gọn, giản dị, từ ngữ chính xác, rõ ràng dễ hiểu.
Viết gia phả là phải sưu tầm, biên soạn những tư liệu về cuộc sống đã qua của các bậc tổ tiên. Cũng như nhiều thế hệ trong dòng họ để nêu cao truyền thống tốt đẹp của dòng họ để cho con cháu noi theo.
Người viết phả phải là người có kiến thức sâu rộng. Và phải có 1 hội đồng tham gia để khi viết về nhân vật nào, thời đại nào đều có thể hình dung được bối cảnh lịch sử của thời kỳ đó.
Không nên duy trì quan điểm “trọng nam khinh nữ” bên trong cuốn gia phả dòng họ mà không ghi tên con gái trong gia phả. Vì như thế sẽ gây khó khăn cho việc tìm hiểu tư liệu sau này. Đồng thời truyền bá tư tưởng sai trái cho con cháu.
Có nhiều cách trình bày gia phả.
Có thể viết theo chiều ngang: tức là những người bằng vai, cùng thế hệ thì viết về họ cùng một lượt. Sau đó mới viết đến thế hệ sau.
Có thể viết theo chiều dọc: tức là chép từng chi, từ trên xuống dưới, hết chi này đến chi kia. Điều này thường được quyết định bởi hội đồng viết gia phả của từng họ.
Mẫu gia phả dòng họ đẹp
Hướng dẫn lập gia phả dòng họ chi tiết
Như đã giới thiệu bên trên thì một mẫu gia phả dòng họ gồm có: lời nói đầu, chính phả, ngoại phả. Sau đây chúng ta sẽ đi vào chi tiết cách làm nội dung từng phần của cuốn gia phả nhé
Lời nói đầu gia phả dòng họ
Phần này nêu lý do dẫn đến việc làm Gia Phả, đây có thể nói là một bài viết mang tính trang trọng, mở đầu cho việc dựng Phả. Nêu sơ qua về công đức tổ tiên và nhiệm vụ của con cháu sau này, nêu sơ qua bố cục của cuốn gia phả. Bài viết cần lời văn trang trọng và thu hút sự quan tâm của người đọc để người đọc tìm hiểu sâu hơn về cuốn gia phả.
Phả ký
Đây là phần quan trọng và khó làm nhất trong việc dựng Phả. Phả ký là một bài viết khá dài về lịch sử dòng họ, khởi nguồn là các cụ tổ xuất thân từ đâu, đến đâu lập nghiệp, định cư tại vùng đất nào, làm nghề gì, có đóng góp gì cho xã hội.
+ Các thế hệ: Theo quy luật hôn nhân, ông tổ sinh ra các chi, phái, hệ số lượng là bao nhiêu, đến nay là mấy đời, tổng số con cháu, hậu duệ, đã cưới, gả với bao nhiêu họ khác.
+ Truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước: Tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống thờ cúng ông bà, chăm lo tạo phúc đức cho con cháu, lo mồ mả, nhà thờ họ, gia phả…
Có thể xen lẫn một vài hình ảnh sưu tầm được để tăng tính chân thật, thuyết phục.